Khi yêu thiên nhiên, chúng ta có xu hướng chăm sóc thiên nhiên. Càng kết nối với thế giới tự nhiên, chúng ta càng có nhu cầu bảo tồn nó cho thế hệ tương lai.
Shinrin yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật là tác phẩm tâm huyết của phó giáo sư, bác sĩ Qing Li. Ông hiện công tác tại trường Y khoa Nippon, Nhật Bản; đồng thời cũng là Phó chủ tịch kiêm Chánh văn phòng của Hiệp hội quốc tế về y học tự nhiên và y học rừng.
Qing Li có nhiều nghiên cứu về tắm rừng (hòa mình vào môi trường rừng) và những hiệu quả của nó mang lại cho con người.
Thực trạng cuộc sống hiện đại
Theo Vụ Dân số Liên Hợp Quốc, dân số thành thị trên khắp thế giới đã tăng từ 746 triệu người (năm 1950) lên 3,9 tỷ người (năm 2014). Ước tính, đến năm 2050, 75% dân số thế giới (khoảng 9 tỷ người) sẽ sống ở các thành phố.
Còn theo Cục Bảo vệ Môi sinh Mỹ, hiện nay thời gian ở trong nhà trung bình của người Mỹ là 93%. Còn của người châu Âu là 90%. Như vậy, chúng ta đang dần trở thành một giống loài sống trong nhà. Mặt khác, đa phần mọi người dành thời gian (khi thức) để dán mắt vào màn hình điện thoại hoặc máy tính.
Những nghiên cứu gần đây cho biết mỗi ngày người Mỹ sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng khoảng 10 tiếng 39 phút. Còn người Anh là 8 tiếng 40 phút (theo cơ quan quản lý viễn thông Anh Quốc Ofcom).
Năm 1984, người ta đề ra thuật ngữ “technostress – căng thẳng do công nghệ” để mô tả trạng thái tâm lý bất ổn liên quan đến công nghệ hiện đại. Technostress có các triệu chứng rất đa dạng, từ lo âu, đau đầu, suy nhược, mệt mỏi, nhức mắt, tê cứng cổ cho đến khó ngủ, bực bội, cáu kỉnh và dễ mất bình tĩnh.
Chính cuộc sống dành quá nhiều thời gian ở trong nhà, sử dụng thiết bị công nghệ triền miên khiến con người dễ gặp phải những tổn thương về tinh thần hơn. Từ đó, những bệnh lý liên quan đến tâm thần cũng nhiều hơn.
Tin tốt là chỉ cần đắm mình vào thiên nhiên trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta cũng có thể cải thiện được sức khỏe.
Phương thức chữa lành cuộc sống
Hãy thử nghĩ xem, một ngày bạn sử dụng điện thoại hay máy tính bao lâu? Tương tự, bao lâu rồi bạn không tản bộ trong một khu rừng đẹp sững sờ đến độ phải dừng chân thưởng ngoạn?
Sẽ rất tốt nếu thỉnh thoảng, bạn rũ xuống những bộ quần áo công sở và thay bằng trang phục thoải mái nhất để bước vào thế giới tự nhiên và tắm mình trong màu xanh bất tận của cỏ cây hay mùi hương quyến rũ của thảo mộc và âm thanh huyên náo của muôn loài.
Nói như ngôn ngữ của người Nhật, bạn cần thực hành “shinrin yoku”, tức là cần “tắm rừng”. Tắm rừng là phương pháp hữu hiệu nhất để thiết lập mối quan hệ với thiên nhiên, cảm nhận sức mạnh và tầm quan trọng của rừng đối với chúng ta.
Với cuốn sách Shinrin yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật, bác sĩ Qing Li đã giới thiệu một cách có hệ thống về nghệ thuật tắm rừng. Đây là phương pháp chữa lành cuộc sống vốn phải đi một hành trình quá dài từ cảm nhận sơ khai đến những minh chứng khoa học.
Trong sách, bác sĩ Qing Li đã đưa ra kết quả của những cuộc khảo sát thực tiễn nhằm thuyết phục người đọc về sức mạnh mang tính thần dược của rừng.
Trong tiếng Nhật, “shinrin” có nghĩa là “rừng” còn “yoku” có nghĩa là “tắm”. Vậy shinrin-yoku có nghĩa là tắm trong môi trường rừng, hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan.
Đây không phải là bài tập thể dục đi bộ hay chạy bộ đường dài mà chỉ đơn giản là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Khi các giác quan mở ra, chúng ta bắt đầu kết nối với thế giới tự nhiên.
Hiện nay có vô vàn cứ liệu chứng thực rằng shinrin-yoku có thể giúp con người giải tỏa căng thẳng (stress), tăng cường trí nhớ, sự tập trung, giảm lo lắng, cải thiện hệ miễn dịch…